Vừa đi tiêm chủng chớ dại tắm cho bé kẻo hối không kịp
Rất nhiều các bậc cha mẹ thường lúng túng trong việc có nên cho trẻ tắm ngay sau khi tiêm chủng? Tuy nhiên, những lo lắng này là điều hết sức bình thường và câu trả lời là bạn không nên làm việc này. Bởi lẽ, sau khi tiêm, vị trí tiêm trở thành vết thương hở rất nhỏ nhưng cũng dễ gây viêm nhiễm. Do đó, nếu tiếp xúc với nước ngay sau đó có thể tạo môi trường thuận lợi cho sự xâm nhập của vi khuẩn vào bên trong cơ thể bé. Nước máy sinh hoạt bình thường về cơ bản là sạch sẽ nhưng lại không đảm bảo được 100%, nếu nước sử dụng không an toàn có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé. Một nguyên nhân nữa là sau khi tiêm chủng trẻ rất dễ bị sốt do tác dụng phụ của thuốc, vì thế, nếu tắm ngay lúc này có thể khiến bé bị cảm lạnh. Thông thường, sau khoảng vài tiếng, khi sức khỏe trẻ đã ổn định, bạn có thể tắm cho trẻ như bình thường.
Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị sốt hoặc quá mệt mỏi thì có thể không tắm mà chỉ cần lau qua người cho bé và tắm lại vào ngày hôm sau. Với những trẻ lớn hoặc trẻ chỉ bị sốt nhẹ, không có dấu hiệu mệt mỏi, các mẹ vẫn có thể tắm cho trẻ bình thường miễn là không quá sát giờ tiêm chủng.
Một vài lưu ý sau khi tiêm phòng cho bé
- Sau khi tiêm chủng, bé thường hay quấy khóc do khó chịu trong người, vì vậy bố mẹ hãy cố gắng tạo cho bé cảm giác an toàn, thoải mái và được yêu thương bằng những cử chỉ âu yếm, cưng nựng.
- Cho trẻ uống nhiều nước lọc hoặc nước hoa quả sau khi tiêm chủng, đặc biệt với trẻ sơ sinh nên cho bé bú sữa mẹ đầy đủ
- Bên cạnh đó, cơ thể bé có thể sẽ cảm thấy nóng sau khi tiêm phòng nên bố mẹ hãy cởi bớt áo bên ngoài nhưng phải đảm bảo rằng bé không bị quá lạnh
- Tại vị trí tiêm thường xuất hiện tình trạng sưng và ngứa nhưng sẽ biến mất sau thời gian ngắn nên bố mẹ không cần quá lo lắng
- Nếu hiện tượng sưng kéo dài trong vài giờ thì bố mẹ nên chườm khăn lạnh tại vị trí tiêm để giảm bớt. Với trường hợp có xuất hiện nhiễm trùng hay sưng tấy đỏ, loét chỗ tiêm thì phụ huynh nên đưa bé đến ngay bác sĩ để được xử lý kịp thời
- Sốt là một trong những tác dụng phụ phổ biến và thường kéo dài trong khoảng 1 – 2 ngày sau khi tiêm. Do đó, bố mẹ không nên quá lo lắng mà lạm dụng các loại thuốc như paracetamol hoặc ibuprofen để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe bé về sau
- Hiện tượng dị ứng với vắc xin là hiếm gặp nhưng không phải là không có. Bởi vậy, khi bé xuất hiện các dấu hiệu như ngứa một phần hoặc khắp cả cơ thể hay thậm chí là phát ban, bố mẹ nên liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.
- Bên cạnh đó, sốc phản vệ là trường hợp nguy hiểm nhất và cũng rất hiếm gặp, biểu hiện điển hình là co giật, khó thở,... với trường hợp này phụ huynh nên liên hệ cấp cứu ngay lập tức.